Trong khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới và thách thức các nhà khoa học tìm ra phương thuốc đặc trị, thì một hiện tượng liên quan tới căn bệnh mới này lại xuất hiện và ngày càng được quan tâm do ảnh hưởng nghiêm trọng lâu dài của nó đối với sức khỏe. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu xem COVID kéo dài là gì qua bài viết này nhé!

COVID kéo dài (long COVID) là tình trạng những người sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục biểu hiện các triệu chứng của COVID-19 lâu hơn bình thường. Các nhà khoa học còn đưa ra nhiều khái niệm khác để gọi hiện tượng này, chẳng hạn như hậu COVID hay COVID sau cấp tính.

Triệu chứng của COVID-19 có thể tồn tại dai dẳng sau khi đã khỏi bệnh (Ảnh: Internet).
Triệu chứng của COVID-19 có thể tồn tại dai dẳng sau khi đã khỏi bệnh (Ảnh: Internet).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giải thích rằng một số người có thể phải chịu đựng những tác động lâu dài của COVID-19 bất kể tình trạng bệnh ban đầu nặng hay nhẹ, có nhập viện hay không. Những triệu chứng kéo dài này có thể bao gồm mệt mỏi, bất thường về hô hấp và những thay đổi của hệ thần kinh.

Định nghĩa về “COVID kéo dài”

Khái niệm “COVID kéo dài” dùng để chỉ hiện tượng một số người vẫn còn triệu chứng của COVID-19 và không hồi phục hoàn toàn sau vài tuần hoặc vài tháng kể từ khi khởi phát các triệu chứng.

COVID kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh kể cả khi đã được điều trị khỏi (Ảnh: Internet).
COVID kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh kể cả khi đã được điều trị khỏi (Ảnh: Internet).

Đa số những người mắc COVID-19 thể nhẹ thường hồi phục trong vòng 1 đến 2 tuần kể từ khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Đối với những trường hợp bệnh nặng, quá trình hồi phục có thể cần đến 6 tuần hoặc hơn.

Hiện nay các nhà khoa học có thể định nghĩa “COVID-19 sau cấp tính” là khi các triệu chứng kéo dài hơn 3 tuần kể từ khi khởi phát, và “hội chứng hậu COVID-19 mạn tính” là khi các triệu chứng kéo dài hơn 12 tuần kể từ khi khởi phát.

Vậy còn “COVID kéo dài” thì sao? Một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là hiện tượng các triệu chứng của COVID-19 kéo dài hơn 12 tuần, trong khi vài ý kiến khác cho rằng chỉ cần 8 tuần là phù hợp.

COVID kéo dài có phải là hiện tượng phổ biến không?

Ngày càng có nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu về tình trạng COVID kéo dài (Ảnh: Internet).
Ngày càng có nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu về tình trạng COVID kéo dài (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu năm 2020 được thực hiện bởi Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật của Mỹ (CDC) đã gợi ý rằng có thể phải cần tới vài tuần để các triệu chứng của COVID-19 biến mất và người bệnh có thể quay lại trạng thái sức khỏe bình thường như ban đầu. Điều này cũng đúng đối với những người trẻ không mắc các bệnh nền mạn tính. Trong khi đó đối với bệnh cúm, hơn 90% bệnh nhân sau khi xuất viện thường sẽ hồi phục trong vòng 2 tuần.

Tuy nhiên ngày càng có thêm nhiều bằng chứng gợi ý rằng những người mắc COVID-19 có thể phải chịu đựng các triệu chứng của bệnh một thời gian dài sau khi nhiễm virus. Mặc dù hiện nay chưa có thống kê chính xác về số người mắc “COVID kéo dài”, nhưng dữ liệu từ ứng dụng COVID Symptom Study đã gợi ý rằng cứ 10 bệnh nhân COVID-19 thì có 1 người biểu hiện triệu chứng kéo dài từ 3 tuần trở lên.

Người bệnh đã được chữa khỏi vẫn cần theo dõi các triệu chứng của COVID-19 (Ảnh: Internet).
Người bệnh đã được chữa khỏi vẫn cần theo dõi các triệu chứng của COVID-19 (Ảnh: Internet).

Bên cạnh đó, dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia của Vương quốc Anh cũng cho thấy kết quả tương tự, tức khoảng 1 phần 10 số người tham gia khảo sát có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 sẽ biểu hiện triệu chứng kéo dài từ 12 tuần trở lên.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2021 đã phát hiện ra rằng hơn ba phần tư số bệnh nhân COVID-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc) vẫn biểu hiện ít nhất một triệu chứng của bệnh sau khi đã xuất viện được 6 tháng. Kết quả này cũng khớp với một nghiên cứu năm 2020 tại Italy khi 87.4% số bệnh nhân COVID-19 cho biết họ vẫn còn ít nhất một triệu chứng sau khi xuất viện được 2 tháng.

COVID kéo dài không phải là hiện tượng quá hiếm gặp (Ảnh: Internet).
COVID kéo dài không phải là hiện tượng quá hiếm gặp (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu khác tại Thụy Sĩ năm 2020 cũng cho thấy rằng khoảng một phần ba các ca bệnh COVID-19 mức độ nhẹ vẫn còn triệu chứng sau 6 tuần.

Sử dụng mô hình thống kê, một nghiên cứu năm 2020 đã phát hiện ra rằng COVID kéo dài thường xảy ra ở người lớn tuổi, người có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn, và phụ nữ. Nghiên cứu này cũng lưu ý rằng những người có nhiều hơn 5 triệu chứng trong tuần đầu tiên của bệnh sẽ dễ mắc COVID kéo dài hơn.

Một vài bằng chứng khác cũng gợi ý rằng nhiều người mắc hiện tượng COVID kéo dài vốn là nhân viên y tế.

Triệu chứng của COVID kéo dài là gì?

Các triệu chứng thường gặp của COVID-19 (Ảnh: Internet).
Các triệu chứng thường gặp của COVID-19 (Ảnh: Internet).

Theo CDC, bệnh COVID-19 thông thường có rất nhiều triệu chứng đa dạng. Trong khi đó triệu chứng thường gặp ở những người mắc COVID kéo dài bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Cảm giác khó thở, hụt hơi
  • Ho
  • Đau khớp
  • Đau ngực

Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác ít gặp hơn nhưng cũng có thể xuất hiện như:

  • Đầu óc mơ màng, cảm thấy khó tập trung và suy nghĩ không được thông suốt
  • Trầm cảm
  • Đau cơ
  • Đau đầu
  • Sốt, có thể tự hết
  • Đánh trống ngực

Đặc biệt, bệnh nhân cũng có thể xuất hiện các biến chứng lâu dài ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác. Những biến chứng ít gặp này bao gồm:

  • Viêm cơ tim
  • Chức năng phổi bất thường
  • Tổn thương thận nghiêm trọng
  • Nổi ban trên da
  • Rụng tóc
  • Bất thường về vị giác và khứu giác
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Khó tập trung và giảm trí nhớ
  • Lo lắng, thay đổi tâm trạng

Nguyên nhân nào gây nên tình trạng COVID kéo dài?

Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn điều gì đã làm cho các triệu chứng của COVID-19 kéo dài như vậy, nhưng một vài nguyên nhân đang được đặt giả thuyết bao gồm:

  • Phản ứng miễn dịch của cơ thể bị suy giảm
  • Sự tái hoạt động hoặc tái nhiễm virus
  • Hiện tượng viêm hoặc phản ứng bất thường của hệ miễn dịch
  • Thay đổi các chức năng sinh lý của cơ thể do nằm tại giường và thiếu vận động quá lâu
  • Rối loạn stress sau sang chấn
Hiện nay nguyên nhân gây ra COVID kéo dài vẫn còn là ẩn số (Ảnh: Internet).
Hiện nay nguyên nhân gây ra COVID kéo dài vẫn còn là ẩn số (Ảnh: Internet).

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các vấn đề dai dẳng liên quan đến COVID kéo dài có thể là kết quả của tổn thương đa cơ quan, bao gồm phổi, tim và não. Chẳng hạn như một nghiên cứu năm 2020 phân tích các mẫu bệnh phẩm từ những người tử vong do COVID-19 đã gợi ý rằng sự tàn phá của virus gây ra cho phổi có thể là nguyên nhân gây nên COVID kéo dài.

Ngoài ra COVID-19 cũng có thể để lại những thay đổi lâu dài cho hệ miễn dịch, từ đó ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Những thay đổi này – đặc biệt là ở phổi – có thể kéo dài kể cả sau khi cơ thể đã loại bỏ hết virus.

Không chỉ có thế, thông tin từ Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh cho biết rằng không loại trừ khả năng những triệu chứng của COVID kéo dài có thể bắt nguồn từ nhiều hội chứng khác nhau, chẳng hạn như hội chứng sau chăm sóc tích cực, hội chứng mệt mỏi sau nhiễm virus, và hội chứng hậu COVID-19. Một số người có thể mắc phải nhiều hội chứng cùng một lúc.

Chẩn đoán COVID kéo dài như thế nào?

Nếu một người đang mắc phải tình trạng COVID kéo dài thì có thể họ cũng đã được chẩn đoán mắc COVID-19 trước đó. Tuy nhiên nhiều người lại chưa từng đi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và cơ thể đã tự loại bỏ virus nên cũng không thể phát hiện bằng xét nghiệm thông thường.

Nhiều người đã từng mắc virus SARS-CoV-2 nhưng không hề được xét nghiệm (Ảnh: Internet).
Nhiều người đã từng mắc virus SARS-CoV-2 nhưng không hề được xét nghiệm (Ảnh: Internet).

Khi đó để chẩn đoán COVID kéo dài bác sĩ có thể tìm hiểu bệnh sử trước đây và hỏi về tất cả các triệu chứng của COVID-19. Sau đó bệnh nhân có thể được kiểm tra về:

  • Huyết áp
  • Thân nhiệt
  • Nhịp tim
  • Phổi và chức năng hô hấp

Mặc dù hiện nay chưa có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định COVID kéo dài, nhưng các bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm thông thường để loại trừ những bệnh lý khác gây nên triệu chứng. Phương pháp cụ thể sẽ tùy thuộc vào triệu chứng mà bệnh nhân đang có, trong đó xét nghiệm máu có thể cung cấp các thông tin về:

  • Số lượng các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu)
  • Các ion
  • Chức năng thận
  • Chức năng gan
  • Troponin, chất thể hiện mức độ tổn thương cơ tim
  • Các chất thể hiện tình trạng viêm
  • D-dimer, thể hiện tình trạng máu đông trong lòng mạch
  • Các chỉ số liên quan đến chức năng tim
  • Nồng độ sắt trong máu
Mẫu máu có thể cung cấp nhiều thông tin về tình trạng sức khỏe (Ảnh: Internet).
Mẫu máu có thể cung cấp nhiều thông tin về tình trạng sức khỏe (Ảnh: Internet).

Ngoài ra một số xét nghiệm khác cũng có thể được thực hiện như:

  • X quang ngực
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Điện tâm đồ để đánh giá các vấn đề về tim

Người mắc COVID kéo dài nên làm gì?

Những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể được dùng để giảm nhẹ các triệu chứng của COVID kéo dài, bao gồm dùng các thuốc giảm đau hạ sốt không cần kê đơn (như acetaminophen) và nghỉ ngơi thư giãn.

Người bệnh có thể được chăm sóc tại nhà và dùng thuốc giảm đau (Ảnh: Internet).
Người bệnh có thể được chăm sóc tại nhà và dùng thuốc giảm đau (Ảnh: Internet).

Bên cạnh đó người bệnh cũng cần quan tâm đến sức khỏe tổng thể, nâng cao thể trạng bằng cách ăn uống hợp lý, hạn chế caffeine và đồ uống có cồn, không hút thuốc lá.

Tuy nhiên, vì các triệu chứng của COVID kéo dài có thể thay đổi rất đa dạng tùy theo từng người nên bác sĩ sẽ phải lắng nghe bệnh nhân để ghi nhận từng triệu chứng, hiểu được những khó khăn của người bệnh, cảnh giác với những triệu chứng tiềm ẩn, và đưa ra biện pháp chăm sóc thích hợp.

Đối với những ảnh hưởng về tâm lý do COVID kéo dài gây ra, người bệnh cần tìm đến phòng khám tâm lý và các tổ chức hỗ trợ xã hội để được tư vấn.

COVID kéo dài có thể chữa khỏi được không?

Hiện nay giới khoa học vẫn chưa rõ cần bao lâu để COVID kéo dài biến mất hoàn toàn. Một số nghiên cứu báo cáo rằng bệnh nhân có thể biểu hiện triệu chứng đến 60-90 ngày kể từ khi nhiễm virus, thậm chí lâu hơn nữa.

Các loại virus khác ngoài SARS-CoV-2 cũng có thể gây nên triệu chứng dai dẳng, từ đó gợi ý rằng các triệu chứng của COVID kéo dài có thể giảm dần trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên người bệnh có thể vẫn còn cảm thấy mệt mỏi tới tận 6 tháng, và những con số này chỉ là ước tính mà thôi. Thời gian hồi phục cụ thể sẽ thay đổi tùy cơ địa từng người và các nhà khoa học vẫn đang tích cực nghiên cứu để tìm hiểu chính xác vấn đề này.

Tổng kết

COVID kéo dài là hiện tượng các triệu chứng của COVID-19 vẫn tồn tại dai dẳng nhiều tuần tới nhiều tháng kể từ khi người bệnh nhiễm virus. Hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu về nguyên nhân và thời gian hồi phục của COVID kéo dài.

Trong lúc chờ câu trả lời chính xác từ các nhà khoa học, chúng ta hãy thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 theo khuyến cáo để tự bảo vệ bản thân và cộng đồng một cách hiệu quả nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy nhớ đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin hữu ích cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Những điều cần biết về bệnh cúm A: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Cúm là bệnh do virus truyền nhiễm tấn công vào hệ thống hô hấp. Virus cúm lây nhiễm ở người được phân thành 3 nhóm chính là cúm A, B và C. Trong đó cúm A thường nghiêm trọng hơn và có thể gây ra các đợt bùng phát dịch trên diện rộng.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Mộc Chi

Hic mong sớm hết dịch